Nghị luận cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trọng Tạo thể hiện trong Quê cát

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thể hiện trong tác phẩm “Quê cát”

QUÊ CÁT

(Nguyễn Trọng Tạo)

Quê cát đựng một trời gió cát
Bãi lau thưa nhọn hoắt nắng hè
Nhà bạn nhỏ bên kia con đường đất
Mà muốn sang, tìm trước bóng cây che.

Quê cát những thân tre thắp lửa
Mỗi trưa hè đẩy cửa nhìn ra
Cây rơm nắng vàng hươm sắc lúa
Một vùng trưa chan chứa tiếng gà.

Quê cát những thân dừa cặm cụi
Như mẹ hiền sớm tối nuôi con
Chịu cát bỏng một đời thân mẹ
Vẫn quanh năm ngọt nước cho buồng non

Quê cát nắng từng cơn bỏng rát
Mà quân thù hòng cướp giọt nước trong
Chúng đâu hiểu từ trong lòng cát
Đạn bất ngờ thiêu chúng giữa tầng không.

Xác máy bay cùng hố bom tội lỗi
Cát cứ vùi như cát có bàn tay
Lớp trẻ chúng tôi lớn lên làm chiến sĩ
Cát quê hương thành chuyện kể đường dài…

Diễn Châu, 1969

Hướng dẫn viết

Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thể hiện trong tác phẩm “Quê cát”.
a) Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ).

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thể hiện trong tác phẩm “Quê cát”.

 

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

– Tác giả là người có tình yêu quê sâu nặng:

+ Nhớ về miền quê với không gian khoáng đạt, mênh mông, gần gũi…

+ Thấu hiểu những vất vả, khổ cực của người dân quê cùng những đau thương mất mát do chiến tranh tàn phá.

+ Yêu thương, trân trọng và luôn khắc ghi trong lòng hình bóng quê hương.

– Lời thơ, giọng thơ giản dị, chân thành, giàu cảm xúc.

Hướng dẫn chấm

Trình bày được tương tự như đáp án: 1,0 điểm.

Trình bày được 1-2 ý như đáp án hoặc diễn đạt tương tự: 0,5 điểm

– Trình bày lan man, không rõ ý: 0,25 điểm.

đ. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, hợp lý, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và bằng chứng.

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

e) Sáng tạo

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Bài mẫu

“Quê cát” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không chỉ tái hiện bức tranh quê hương Diễn Châu đầy nắng gió mà còn thể hiện tâm hồn giàu yêu thương, gắn bó tha thiết với quê hương của nhà thơ. Qua những hình ảnh bình dị mà giàu sức gợi như “bãi lau thưa nhọn hoắt nắng hè”, “thân tre thắp lửa”, “thân dừa cặm cụi”, nhà thơ đã bộc lộ sự trân trọng vẻ đẹp mộc mạc của làng quê, nơi in dấu bao kỷ niệm những ngày thơ ấu. Ở đó, thiên nhiên tuy khắc nghiệt nhưng lại mang vẻ đẹp dung dị, gắn liền với những ký ức thân thuộc về ngôi nhà nhỏ, bóng cây, cây rơm và cả tiếng gà. Đặc biệt, hình ảnh cây dừa “chịu cát bỏng một đời thân mẹ / vẫn quanh năm ngọt nước cho buồng non” lại gợi lên sự tảo tần, hy sinh thầm lặng của những người mẹ quê hương, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng tri ân của tác giả đối với nguồn cội. Không chỉ dừng lại ở tình yêu quê quê hương, tâm hồn nhà thơ còn toát lên tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường trước kẻ thù. Những câu thơ “Mà quân thù hòng cướp giọt nước trong / Chúng đâu hiểu từ trong lòng cát / Đạn bất ngờ thiêu chúng giữa tầng không” đã cho thấy sự căm phẫn đối với giặc ngoại xâm và niềm tự hào về tinh thần chiến đấu anh dũng của con người quê hương. Cát – biểu tượng của sự khô cằn, gian khó – nay lại trở thành chứng nhân lịch sử, tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chôn vùi “xác máy bay cùng hố bom tội lỗi”. Hình ảnh lớp trẻ lớn lên từ vùng quê đầy gian khổ, trở thành những chiến sĩ kiên cường, biến “cát quê hương thành chuyện kể đường dài” thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Có thể nói, chính tình yêu tha thiết với quê hương, lòng tri ân với những con người tảo tần và tinh thần yêu nước mạnh mẽ là nguồn cảm xúc dồi dào để Nguyễn Trọng Tạo viết nên thi phẩm giàu ý nghĩa, thức dậy trong lòng mỗi người tình yêu, sự gắn bó sâu nặng với quê hương.

 

 

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *