Đề bài: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích chủ đề của truyện “Những vết đinh còn mãi”
NHỮNG VẾT ĐINH CÒN MÃI
Một cậu bé nọ có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu đưa một túi đinh cho cậu rồi nói: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên cái hàng rào gỗ”.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả ba mươi bảy cây đinh. Nhưng sau vài tuần, cậu bé tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu bé nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.
Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào”.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn cây đinh nào trên hàng rào nữa cả. Người cha liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào xem. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như các lỗ đinh này, chúng để lại vết thương khó lành trong lòng người khác. Dù cho sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ khiến con cười và giúp con trong nhiều chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra với con. Vì thế, hãy nhớ lấy lời cha…”
(Nguồn:https://sachhay24h.com)
* Hình thức:
– Đúng kiểu bài : tóm tắt, đủ số câu (8-10 câu)
– Đúng chính tả, không mắc lỗi diễn đạt, có sáng tạo
* Nội dung:
– Mở đoạn: Câu chuyện “Những vết đinh còn mãi” đã truyền tải một cách sâu sắc chủ đề về hậu quả của sự nóng giận và giá trị của sự kiềm chế cảm xúc trong giao tiếp.
– Thân đoạn:
+ Hành trình thay đổi của cậu bé trong câu chuyện là biểu hiện sinh động của chủ đề này. Ban đầu, mỗi cơn giận dữ của cậu bé đều được thể hiện bằng hành động đóng đinh vào hàng rào, tượng trưng cho những tổn thương mà cậu gây ra. Con số 37 cây đinh trong ngày đầu tiên cho thấy mức độ không kiểm soát được cảm xúc của cậu. Tuy nhiên, quá trình tự nhận thức và kiềm chế cơn giận đã giúp cậu giảm dần số lượng đinh cho đến khi hoàn toàn không còn nổi nóng nữa.
+ Hình ảnh những lỗ đinh còn lại trên hàng rào chính là biểu tượng mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng những tổn thương tinh thần, dù đã xin lỗi, vẫn để lại vết hằn khó phai trong lòng người khác.
+ Qua cách kể chuyện giản dị nhưng giàu tính biểu cảm, tác giả không chỉ khắc họa quá trình trưởng thành của nhân vật mà còn gửi gắm một thông điệp nhân văn về việc sống bao dung và thấu hiểu.
– Kết đoạn:
Câu chuyện khuyến khích chúng ta biết nâng niu, trân trọng những mối quan hệ; giữ gìn sự hòa thuận và luôn cẩn trọng trong lời nói, hành động để không làm tổn thương những người thân yêu.